Được tạo bởi Blogger.
RSS

Trang

Niềm vui và những nỗi buồn


6:30, 07/01/2012
Khổng Minh Dụ








Đã trở thành quy luật ở nước Nam ta từ bao đời nay, hàng năm, cứ tới độ chớm thu và kéo dài tới cuối đông là các lứa đôi rủ nhau về tổ ấm - mùa "đại hỷ". Từ thành thị tới thôn quê, từ đồng bằng tới miền núi, đó đây tưng bừng bước vào mùa cưới, mùa tràn ngập không khí tươi vui, hạnh phúc. Đó cũng là mùa "hốt bạc" của các nhà kinh doanh khách sạn, hội trường, áo cưới, chụp ảnh quay phim, trang điểm cô dâu; rồi tới cho thuê bàn ghế, phông màn, bát đĩa (nếu ở nông thôn). Bởi thế, ở nơi "đắc địa" có những phòng cưới phải đăng ký trước cả năm, mới mong đạt được "ngày vui trọn vẹn".
Cố nhiên, thời đại mới, con người có thể bất chấp quy luật, không ít lứa đôi vẫn lên xe hoa vào bất kể mùa nào, kể cả giữa mùa nắng hè đổ lửa.
Niềm vui, bởi quy luật sinh tồn, chắc không có gì cần bàn. Cái đáng nói, ấy 
là đằng sau "đại hỷ", không phải không ẩn chứa những buồn phiền, day dứt, âu lo… để rồi dẫn tới bao chuyện đau lòng, chia lìa đôi lứa, tiếng đời dị nghị xuất phát từ chuyện cưới xin.
Chuyện lứa đôi yêu nhau, rồi đi tới hôn nhân, việc đăng ký kết hôn ở chính quyền cơ sở, đã đủ yếu tố pháp lý để họ thành vợ, thành chồng, chẳng cần phải thủ tục cưới xin linh đình cho tốn kém. Song, bởi tâm lý Á Đông chúng ta, ngày hạnh phúc của con, ngày vui của gia đình đều muốn có cuộc góp mặt đông đủ bà con, anh em thân tộc và thân bằng cố hữu để chia vui.
Tâm lý đó chẳng có gì đáng trách nếu nó diễn ra bằng những buổi tiệc trà ấm cúng mà bao lứa đôi đã từng tổ chức ở trong chiến khu thời kháng chiến và những thập niên đầu sau khi giải phóng  miền Bắc. Nó chỉ trở thành phiền hà khi hình thức trên biến mất, thay bằng (thực ra là trở về) với hủ tục xưa, tiệc cưới linh đình xa hoa lãng phí, để đến nỗi bao lứa đôi gạt nước mắt chia lìa, bởi chàng trai quá nghèo không có tiền cưới vợ. Chuyện xưa tái diễn ngày một nặng nề hơn, trở thành chuyện đàm tiếu, đùa vui cười ra nước mắt trước bao phận nghèo "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi". - "Tuần này nhà tôi có 4 bữa cơm giá cao" - "Nhằm nhò gì với tôi. Cả một xấp thiếp mời đây này. Mất béng một tháng lương hưu". "Ông còn có lương hưu, chứ… nhà tôi, cái thứ "phó thường dân" này thì trông vào đâu?... Mỗi lần có người đem thiếp mời tới cả nhà đều méo mặt, thót tim!".
Hầu hết làng quê bây giờ là vậy. Khó khăn trăm bề, cái ăn, cái mặc đã khổ, còn thêm "cái nạn trả nợ miệng" này, càng thêm cùng cực. Đám cưới nào cũng 2 ngày thẳng thừng. Ngày đầu, buổi sáng dựng rạp, giết lợn, mổ bê, mổ gà, làm cỗ. Buổi chiều, cả dăm bảy chục tới hàng trăm mâm mời quan khách. Sáng hôm sau là cỗ gia đình, thân tộc, đánh chén xong rồi mới đi đón hoặc đưa dâu. Hầu hết đám cưới ở nông thôn là gia chủ phải bù lỗ, trở thành con nợ, cả mấy năm sau vẫn chưa "hoàn hồn". Biết thế mà vẫn cứ đua nhau, con gà tức nhau tiếng gáy. Rồi còn biết bao chuyện phiền hà diễn ra: Cờ bạc sát phạt nhau, rượu chè be bét choảng nhau gây thương tích ngay trong tiệc cưới phải đưa đi cấp cứu.
Đó là chuyện ở nông thôn. Còn ở thành thị thì sao? Còn nhiêu khê hơn nhiều bởi bao thứ "hoành tráng". Địa điểm cưới phải hoành tráng, cỗ bàn phải hoành tráng, xe đón dâu và váy áo cưới phải sành điệu. Thậm chí đến cái thiếp mời cũng sành điệu về hình thức, hoành tráng về nội dung, hoành tráng đến kệch kỡm bởi nội dung được thể hiện trong đó. Có những tấm thiếp mời có giá tới mấy chục ngàn đồng.
Xin nêu một vài vụ điển hình đám cưới ở thành thị gần đây dẫn tới sự phiền hà, day dứt cho gia chủ:
- Đám cưới con vị giám đốc sở ở một tỉnh, từ đám hỏi tới ngày dựng rạp, ngày cưới đã huy động tới mấy chục cán bộ nhân viên của sở đi phục vụ: Không hiểu sao bản danh sách phân công lại được phơi bày trên mặt báo.
- Đám cưới con một vị cán bộ lãnh đạo cấp ban của một thành phố lớn, trong thiếp mời cưới con lại ghi đích danh ông bố là Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng của thành phố. Kỳ lạ thay!
- Một đám cưới khác có thể gọi là  "siêu hoành tráng" mà báo chí đã nêu. "Đám cưới con "quan"  ở Long An với hơn 1.500 khách tham dự". Đám cưới to đến nỗi, con đường độc đạo về huyện Tân Hưng, xe ôtô chật kín, phần nhiều là xe biển số màu xanh (xe cơ quan nhà nước). Xe nối đuôi nhau xếp hàng đợi qua phà Cái Môn. Đám cưới kéo dài tới 3 ngày, xe hơi các loại đỗ đầy các ngả đường…
Rõ ràng 3 đám cưới trên là những phiền hà, day dứt, chủ nhân phải mang điều, mang tiếng mà cấp trên của các vị phải xem xét, đánh giá. Nghe như sau đám cưới của con ông Phó ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng thì ông đã phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách và tiếp theo đó là được điều sang công tác ở một ban khác trong thành phố.
Trở lại với "chất hoành tráng" của một số đám cưới được tổ chức ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Phần lớn được tổ chức ở những khách sạn nhiều sao. Chỉ tiền thuê phòng cưới, người dẫn chương trình, văn nghệ sống, bánh, rượu cưới, trang trí xe đón dâu, thuê áo cưới, quay video, chụp ảnh… chắc chắn không dưới 50.000.000 đồng (năm chục triệu). Thực đơn thật hoành tráng và cố nhiên giá dịch vụ vào loại siêu sao. Vì vậy thực khách mừng đôi uyên ương 500.000 đồng chắc đó sẽ là chiếc phong bì mỏng nhất. Bởi thế, cái cung đoạn lập danh sách khách mời sẽ là chuyện đau đầu nhất (trừ các đại gia), còn tất cả không thể hoành tráng về danh sách khách mời, kể cả cưới ở những nơi bình thường trong thành phố.
Những phức tạp nêu trên rất cần thiết tới sự uốn nắn, chỉ đạo của chính quyền các cấp. Chúng ta đang xây dựng nếp sống văn hóa, cớ sao việc ma chay, cưới xin gần đây lại thả nổi như vậy? Một sáng kiến trở thành tấm gương đáng noi theo là gần đây tại phía Nam có một đám cưới tập thể của 80 đôi uyên ương, hầu hết là công nhân viên ở các công trường, xí nghiệp. Đám cưới được ghi vào kỷ lục Việt Nam.
Vượt khỏi lãnh thổ chúng ta, một đám cưới tập thể đặc biệt vừa diễn ra vào ngày 27/12/2011 tại Pêru, một quốc gia ở Nam Mỹ với 92 đôi uyên ương. Đôi trẻ nhất 19 tuổi; đôi cao tuổi nhất: cô dâu 64 tuổi và chú rể ở tuổi 73. Nhìn gương mặt gần 200 cô dâu, chú rể đều tràn trề hạnh phúc. Cần chi phải tiệc tùng đình đám.
Hy vọng mùa cưới năm con Rồng sẽ là mùa hạnh phúc lứa đôi theo nếp sống văn hóa mà chúng ta đã dày công xây dựng

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét